Tìm hiểu về
Lịch sử hình thành
ĐƯỜNG 1C HUYỀN THOẠI
26/3/1965
thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam
Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Việt Nam khai mạc lần thứ nhất tại Tây Ninh. Tại Đại hội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thay mặt Trung ương Đảng trao nhiệm vụ cho Đại hội phát động phong trào “Năm xung phong” và phát triển tổ chức Đoàn vững mạnh về chất lượng và số lượng.
Ban chấp hành quyết định thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam (Tổng đội TNXP miền Nam).
Nội dung phong trào “Năm xung phong” là:
1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.
2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.
3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.
4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.
5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.
1966 – 1967
Đường 1C ra đời
Bối cảnh ra đời: Đường Hồ Chí Minh trên biển do đoàn 962 phụ trách bị địch phát hiện, phong tỏa đánh gắt gao nên gặp nhiều khó khăn. Trong lúc đó phương tiện chiến tranh trung ương chi viện theo đường 559 (đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ) đã đến miền Đông Nam Bộ. Việc nối liền đường vận chuyển từ miền Đông về tận mũi Cà Mau để tiếp nhận hàng chi viện là một vấn đề cấp thiết.
Đường 1C nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, từ trạm 95 của Đoàn 195 Cục hậu cần Quân khu 9 (Sóc Chuốt – Stucmia Campuchia), qua biên giới Việt Nam tại kinh Vĩnh Tế trên địa bàn huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang ngày nay, băng qua rừng tràm Hà Tiên, vượt kinh Tám Ngàn, Mốp Giăng, qua lộ Cái Sắn … về đến Cái Nứa, Ba Đình (huyện U Minh Thượng).
Timeline
19/5/1966
Đoàn 195 do Quân khu IX thuộc miền Tây Nam bộ được thành lập
Nhân sự của đơn vị này lấy từ lực lượng của Quân khu IX, do ngày tổ chức ra quân đúng vào ngày 19 tháng 5 nên Quân khu IX quyết định đặt tên Đoàn là Đoàn 195.
Tổng trạm 95 của Đoàn 195 đóng ở Sóc Chuốt, huyện Stucmía, tỉnh Kam Pốt (Campuchia). Việc tiếp nhận và vận chuyển hàng đến Tổng trạm ở Sóc Chuốt, Stucmía (Campuchia) do Trung ương lo, hàng thì có sẵn; nhiệm vụ cấp bách là trong mùa nước nổi năm 1967, phải vận chuyển cho hết số vũ khí Trung ương giao cho miền Tây và tất cả số vũ khí đó phải đưa được về đến chiến trường.
Trên cơ sở phân tích những khó khăn và thuận lợi, các đồng chí chủ chốt trong Đoàn 195 nhận định lực lượng Đoàn 195 không thể kham hết các công đoạn vận chuyển được, chỉ phụ trách việc nhận và vận chuyển hàng đến Tổng trạm 95.
4/1967
Khu ủy khu IX giao cho Khu đoàn Tây Nam Bộ thành lập Liên đội I Thanh niên xung phong
Nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển hàng từ Tổng trạm 95 đưa về các trạm cất giấu và phân phối kịp thời cho các nơi. Cung đường vận chuyển chủ yếu là từ Sóc Chuốt, Stucmia và trên tuyến đường 1C từ kinh Vĩnh Tế, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Cái Sắn, Ba Đình qua sông Cái Lớn về đến Cà Mau.
Sau khi Liên đội I TNXP được thành lập, các tỉnh đoàn khẩn trương đưa lực lượng về Liên đội:
- Cà Mau thành lập 3 đại đội Nguyễn Việt Khái I, II, III (Sau đó đại đội Nguyễn Việt Khái I tăng cường cho Trung ương cục)
- Sóc Trăng thành lập đại đội Mai Thanh Thế
- Rạch Giá thành lập đại đội Hòn Đất
- Cần Thơ thành lập đại đội Tây Đô
- Vĩnh Long, Trà Vinh chưa kịp lấy phiên hiệu

1967
Khu ủy khu IX chỉ đạo Khu đoàn thành lập Liên đội II Thanh niên xung phong
Liên đội II phục vụ quân chủ lực khi tấn công vào đầu não của địch ở Vùng 4 chiến thuật, ở các tỉnh Cần Thơ – Vĩnh Long – Trà Vinh.
9/1967
Tuyến đường hình thành từng cung đoạn một, nhận hàng xong chuyển hàng, giao hàng và quay trở về trong đêm
Lộ trình: Hàng trên đất Campuchia sẽ được tập trung về Tổng trạm 95. Hàng từ Tổng trạm 95 (biên giới Campuchia) ở Sóc Chuốt, Rạch Dứa vượt kinh Vĩnh Tế => vườn chuối An Ninh (Trạm 90) vượt Kinh Tám Ngàn => Lung Bọt Thưa, Gộc Xây nhỏ (Trạm 85), vượt kinh xáng Tri Tôn => rừng Nam Thái(Trạm 80),vượt kinh Mốp Giăng, kinh xáng Mỹ Lâm => rừng Tràm Dưỡng (Trạm 70), qua lộ Cái Sắn => rừng tràm Tam Bình (Trạm 60), qua Kinh 7 – Tân Hiệp, lộ Lục Phi => Tổng trạm 50 (Căn cứ hậu cần khu IX).
- Liên đội I lúc này gồm: 04 đại đội với 500 quân, trong đó có 426 nữ, tuổi từ 15 – 20. Vận chuyển hàng bằng xuồng ba lá, xuồng mỏ, loại xuồng dùng để đi rừng ở vùng Hà Tiên. Mỗi xuồng chở độ 400 -500 kg.
- Mỗi loại hàng có một mã hiệu riêng: súng đạn là hàng X; máy móc thông tin là hàng C; dụng cụ y tế, thuốc men là hàng BVK; tiền vàng là CĐ; trong thông tin liên lạc: điện đài gọi là mắm, tấn gọi là ký.
- Nhiệm vụ Liên Đội là tiếp nhận hàng ở Tổng trạm Sóc Chuối (195) qua Vĩnh Tế đưa về đến mé lộ Cái Sắn hằng đêm. Phía Nam lộ Cái Sắn do hậu cần Quân khu huy động dân công dùng vỏ máy tiếp nhận chuyển về Cái Nứa.
10/02/1968
Tiểu đoàn 410, Quân khu IX được thành lập
Nhiệm vụ: Bảo vệ cảnh giới, hỗ trợ cho lực lượng Thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C.
Mùa khô 1968
Liên đội I khẩn trương tiến hành kế hoạch đào kinh xuôi theo trục để chuyển hàng mùa khô năm 1968 đã về đến tổng trạm 195
Bắt đầu từ Rạch Dứa ra kinh Vĩnh Tế với mật danh là Đường số 6 dài khoảng 4000m; từ kinh Vĩnh Tế, kinh Cây Trâm chuyển xuồng về vườn chuối An Ninh; từ vườn chuối An Ninh đào kinh tới ngã ba Bà Trầu dài khoảng 6.000m; vét kinh Bèo qua kinh Thầy Ban về kinh Tám Ngàn rồi theo kinh Chiến Thắng về Lung Bọt Thưa, đưa về Tân Hội, Tràm Dưỡng đưa qua lộ Cái Sắn giao hàng.
Trong lúc Liên đội I đào kinh thì Quân Khu ủy chỉ đạo các đơn vị trực tiếp nhận hàng ở trạm 90 Gộc Xây.
Đầu mùa nước nổi 1968
Hàng đã tập trung về tổng trạm 195. Liên đội I còn 03 đại đội, đại đội Mai Thanh Thế xuống thay đại đội Hòn Đất II (rút về củng cố)
Sau khi củng cố đội hình thì Liên đội I lúc này có 05 Đảng ủy cơ sở – cấp Đại đội, lực lượng trên 500 quân; 04 đại đội vận chuyển; 01 đại đội trinh sát, bảo vệ.
Quân khu ủy triệu tập Bộ chỉ huy Đoàn 195, Ban Chỉ huy Liên đội I, Ban Hậu cần Quân khu về họp tại Hỏa Lựu giao nhiệm vụ chuyển hết hàng và khoảng 100 tấn gạo về quân khu trong mùa nước năm 1968.
Mùa xuân 1969
Hàng năm 1968 chuyển về dứt điểm. Đại đội Hòn Đất II liên tục củng cố và bổ sung quân cho Liên đội I
Các phương án vận chuyển hợp pháp, bán hợp pháp sử dụng ghe lớn, tàu (vỏ) xiệp, tàu hai đáy, phát huy tối đa, không chỉ giúp vận chuyển dứt hàng của năm 1968 mà còn chuyển được 50% số hàng của năm 1969.
Mùa mưa 1969
Nước ngập dâng cao, ngập cả vùng biên giới nên phải dời hàng lên gò cao, đơn vị phải ăn ở trên xuồng, trên gò mối
Thời gian này, lực lượng chi viện của Trung ương về đến biên giới và lực lượng TNXP tiếp tục tổ chức đưa đón quân về khu Tây Nam Bộ.
1970
Trong khi Đoàn 195 ráo riết chuẩn bị cho nhiệm vụ mới thì trên phía đất bạn Campuchia lại có biến động. Tại Sóc Chuốt, vừa lực lượng Thanh niên xung phong của Liên đội, vừa quân của Sư 1 gần 5.000 người, tập trung khu vực biên giới, ăn ở trong lùm cây, đám cỏ.
Lực lượng Thanh niên xung phong của ta vừa chặn đánh địch, vừa điều quân vận chuyển hàng về núi Rờ Mom, núi Pi Chơn lập căn cứ, lập kho hàng mới.
Cuối 1970
Trung ương tăng cường lực lượng cho chiến trường đồng bằng sông Cửu Long
Sau đợt này, ta củng cố lại trạm Sóc Chuốt và các trạm khác, vận chuyển hàng theo kiểu nhỏ giọt, củng cố lực lượng, mở đường chuẩn bị nhận 10 ngàn quân và hàng ngàn tấn hàng của năm 1971.
7/1971
Địch đổ quân bao vây chặt vùng Ba Hòn - tại đây đã xảy ra trận đánh 68 ngày đêm giữa ta và địch.
Qua 68 ngày đêm chiến đấu, ta diệt trên 2.500 quân địch, 8 nữ đồng chí Thanh niên xung phong hy sinh trong hang Hòn Đất.
Với quyết tâm đưa quân về dứt điểm trong năm 1971, ta chuẩn bị phương án hành quân bằng xuồng để đưa quân về miền Tây. Lực lượng Thanh niên xung phong và các tiểu đoàn tiến hành đốn cây, xẻ ván đóng xuồng, đóng xong khiêng đi khoảng 20-30km để tập chống xuồng.
Cuối 1972 - 1975
Lực lượng thanh niên xung phong của Liên đội I ngày càng giảm quân số. Quân khu ủy quyết định cho Khu đoàn chuyển toàn bộ Liên đội I Thanh niên xung phong qua hệ quân đội.
Lực lượng Thanh niên xung phong Liên đội I lúc bàn giao là 462 quân (trong đó có 401 nữ, 61 nam); bàn giao qua hệ quân sự 381 đồng chí (349 nữ) gồm: 05 đồng chí Liên đội phó, 20 cán bộ đại đội, 46 cán bộ trung đội, 27 y sĩ – y tá, 281 cán bộ tiểu đội, 02 chiến sĩ. Còn 81 đồng chí rút về Khu đoàn chia thành 03 đoàn về T3.
Số nữ Thanh niên xung phong chuyển qua hệ quân sự đều ở lại Đoàn 195 hoạt động triển khai từ Kampốt đến sông Sở Thượng (Campuchia), Tây Ninh bám giữ Tuyến đường 1C đến 30/4/1975.
1997
Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong tuyến đường 1C đã được xây dựng tại ấp Tà Êm, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

06/01/2024
Khởi công xây dựng đền thờ Anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C - tại khu trung tâm hành chánh huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang.

Đường 1C và những
Chiến Công lẫy lừng

20.000 lượt
Liên đội I Thanh niên xung phong đã đưa rước hơn 02 vạn lượt cán bộ, bộ đội, thương binh.

13.000 tấn
Vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí, hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men kể cả tiền bạc.
Chiến tích hào hùng
Hơn 200 trận
Trong suốt thời gian tuyết đường hoạt động
05 máy bay
Đã bị bắn hạ trên bầu trời
3.000 tên
Đã bị quân ta loại khỏi vòng chiến đấu
08 xe tăng
Đã bị quân ta bắn cháy
14 tàu chiến
Đã bị quân ta bắn cháy hoặc đánh chìm
Những con người thầm lặng
500 người
Là quân số lúc ban đầu khi thành lập
800 người
Là số lượng quân đông nhất tham gia
462 người
Được bàn giao quân qua hệ quân đội
Sự hi sinh cao cả
327 đồng chí
Là số người bị thương tật vĩnh viễn
399 đồng chí
Là số người đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ