Trong khi địch thường xuyên đánh phá ác liệt để ngăn chặn, bởi chúng cho rằng: Muốn bình định miền Tây Nam bộ phải cắt đứt bằng được con đường này. Tại đây, mỗi ngày có hàng trăm lượt máy bay ném bom bắn phá, kể cả B52 ném bom rải thảm, pháo bầy cấp tập, dọn nát địa hình. Trên các tuyến kinh, tàu địch thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát ngày đêm. Đồng thời, chúng thường xuyên tổ chức hành quân càn quét, tung biệt kích rình rập đánh phá. Nhưng với phương châm Lừa – Đánh – Phòng – Tránh, ngoài nhiệm vụ chính là vận chuyển, Lực lượng Thanh niên xung phong còn phải chiến đấu quyết liệt với địch để mở đường mà đi, bảo vệ người, bảo vệ hàng, quyết tâm bám trụ giữ vững đường 1C thông suốt. Ngày lo trú ẩn và đánh địch, đêm đến mỗi người một xuồng vận chuyển suốt đêm.
Về việc đi lại vận chuyển
Năm 1967 việc vận chuyển còn thuận lợi, từ năm 1968 trở đi thì vô cùng khó khăn, đêm nào cũng đi, có khi đi không được phải quay trở lại. Cứ một đoàn đi qua sẽ có một đoàn đi lại. Quá trình vận chuyển đòi hỏi mọi người phải có kinh nghiệm và sự bình tĩnh, nhanh nhạy, dần dà họ tích luỹ kinh nghiệm và truyền đạt, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm như: Khi đi qua vùng địch phong tỏa thì phải chống xuồng thật êm, phải có lực lượng kiềm, chận hai đầu. Hay về miền Nam khi đi qua những gò nổi cần phải nhảy xuống đẩy nhưng không được để ló đuôi (để lại dấu tích). Khi đi qua đường phải xoá dấu vết để lại trên đường, trên những cây cỏ ngã rạp xuống, hay trên những đám lục bình trôi trên sông… Mùa nước thì dùng xuồng, mùa khô thì đi bộ hoặc đi xe trâu, xe ngựa, xe ba gác. Bên cạnh vận chuyển bí mật thì ta còn vận chuyển công khai. Lúc đi công khai thì ta dùng ghe lớn đậu ở Tà Êm, bên kia đưa hàng ra bờ kinh xáng, đưa xuống ghe rồi mua dưa hấu nguỵ trang chở về.

Về địa hình
Tuyến đường 1C ở vào thế nhược điểm, bất lợi vì ở vào thung lũng độc đạo, chỉ có một vệt thung lũng, đồng hoang với những cụm tràm thưa từ Tràm Dưỡng đến Gộc Xây; bị chia cắt bởi nhiều tuyến kinh. Mùa mưa lũ nước ngập mênh mông, có đoạn dài 20-30 km nước ngập ngang cổ, cỏ bắc giăng đầy. Để vượt qua những đoạn này vào mùa mưa thì lực lượng vận chuyển phải trầm mình dưới nước, đẩy xuồng hàng, quần áo bị cỏ cắt rách bươm, da thịt rướm máu. Vừa trầm mình dưới nước đẩy xuồng hàng, vừa quan sát tránh né phi pháo… toàn thân ướt đẫm ngày đêm và phải đi liên tục 28-29 ngày trong tháng. Lúc giao thời giữa mùa mưa và mùa khô đường sình lầy, phải mang vác bộ, mỗi người chỉ mang vác được 15 đến 20 kg hàng và 01 khẩu súng (tiểu liên AK hoặc B40) để chiến đấu, ở những đoạn đường dùng xe thồ thì mỗi xe thồ từ 200-250kg. Còn vào mùa khô thì nước cạn kiệt, đồng cháy trơ trọi, chỗ còn nước đọng lại là phèn, việc tắm giặt gặp nhiều khó khăn.
Về ăn uống, sinh hoạt hàng ngày
Vào những lúc thiên nhiên “ưu đãi” thì nguồn thực phẩm từ thiên nhiên vô cùng dồi dào, chỉ cần chịu khó đi bắt là có cá, rùa, rắn, lươn…(chui vào các vỏ bom, vỏ pháo), cải thiện được bữa cơm. Nhưng cũng có khi có gạo mà không có cơm ăn do vào mùa khô thiếu nước sạch, dùng nước nhiễm phèn nấu cơm không chín; cũng có những lúc không có gạo ăn, phải ăn bánh ong, cù nèo, …. thay cơm. Khổ nhất vẫn là vào mùa khô, giặc chốt chặn ở những nơi có nguồn nước, quân ta 5-7 ngày không có nước ngọt để uống, 01 tuần không tắm rửa giặt giũ. Thuốc than thì ít, không có và cũng không đủ để trị các bệnh sốt rét, thòng lách, sưng gan, rụng tóc… vết thương cũ chưa kịp lành thì vết thương mới lại chồng lên, đau xé da xé thịt.
Bệnh dịch hoành hành
Hầu hết lực lượng Thanh niên xung phong Liên đội I đều bị mắc những cơn bệnh trầm kha, do phải sinh hoạt vất vả, ăn uống thất thường, lao động nặng nhọc. Mỗi Thanh niên xung phong có 02 bộ đồ bằng nilon dầu cho nhanh khô, để thay đổi nhưng phần nhiều chả cần vì ướt rồi khô, khô vừa lại ướt, có khi chưa kịp khô đã ướt, chưa kịp thay đã phải di chuyển. Do đó, cả đơn vị đều bị lác ngoài da, ghẻ lở đầy mình, nhất là bàn tay, móng tay sút hết cả ra; chị em phụ nữ thì hầu như ai cũng mắc bệnh phụ khoa vì thế mới có câu “10 thằng lính, 09 thằng lác, 01 thằng lang ben”.
Rừng thiêng nước độc
Khu vực vùng Hà Tiên, từ Tràm Dưỡng về kinh Vĩnh Tế toàn là đồng cỏ hoang vu, nhiều nhất là loại cỏ bắc – một loại cỏ độc, nổi trên mặt nước thành dây bò chằng chịt khắp nơi; cả dây và lá đều sắc cạnh, cắt vào da thịt, chảy máu, nát cả áo quần nhất là những lúc lo chạy tránh máy bay, đạn pháo, những vết cắt phồng rộp, làm mủ cả tuần mới lành. Ban ngày thì giăng võng ngủ, có người chưa kịp thay quần áo ướt đã lăn ra ngủ. Cơm nước càng về sau càng khó nên phải chuẩn bị cơm vắt mang theo. Chiều thì lo tranh thủ nấu cơm ăn, tranh thủ chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để đi. Lâu ngày, nó trở thành nếp sinh hoạt của mọi người.
Thanh niên xung phong là những con người bình dị, trẻ tuổi nhưng giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh thân mình để con đường tồn tại (thực tế Đường 1C vẫn tồn tại cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975). Họ vẫn vui vẻ, vẫn yêu đời, vẫn truyền tai nhau khẩu hiệu của Thanh niên xung phong là “Chân đồng, da sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” (Chân cứng như đồng, đi không biết mỏi; da cứng như sắt, không sợ đạn bom, mắt tinh như ngựa, dù đi thức hay ngủ vẫn luôn mở; có thể ăn 1 ngày nhịn 5 – 10 ngày) để lấy đó làm động lực cố gắng, bám trụ từng gốc cây, ngọn cỏ, hang núi, bờ kinh.